IELTS là gì? Chứng chỉ IELTS dùng để làm gì? Cấu trúc đề thi, hình thức thi và cách tính điểm của chứng chỉ này như thế nào? Cùng cẩm nang IELTS đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc này qua bài viết sau để hiểu rõ hơn nhé
IELTS là gì?
IELTS là viết tắt của “International English Language Testing System” (Hệ thống Kiểm tra Tiếng Anh Quốc tế). Được sáng lập bởi 3 tổ chức ESOL thuộc Đại học Cambridge, Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục IDP (Úc) vào năm 1989.
Hiện nay chứng chỉ IELTS được công nhận rộng rãi trên khắp thế giới. Theo thống kê, IELTS đã có mặt ở 140 quốc gia với hơn 1.200 trung tâm tổ chức thi. Và, 10.000 trường đại học, cao đẳng, cơ quan, các tổ chức khác sử dụng điểm số IELTS để đánh giá năng lực tiếng Anh chính thức trong đó có Úc, Anh, Canada và New Zealand…
Bài thi kiểm tra IELTS sẽ đánh giá bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của thí sinh. Có hai phiên bản chính: IELTS Academic và IELTS General Training, phụ thuộc vào mục đích sử dụng của thí sinh là học tập hay di cư.
Kết quả của bài thi IELTS không có đỗ hay trượt mà được tính theo thang điểm cụ thể. Người thi sẽ được cấp Chứng chỉ IELTS dựa theo điểm trung bình cộng của các kỹ năng mà họ đạt được. Chứng chỉ này thường có hiệu lực trong 2 năm kể từ ngày có kết quả.
IELTS Academic và General là gì?
IELTS Academic và IELTS General Training là hai hình thức phổ biến của bài thi IELTS. Tùy vào nhu cầu học tập hoặc định cư ở nước ngoài người học sẽ chọn một trong hai hình thức này.
IELTS Academic (Học thuật) dành cho những bạn muốn theo đuổi con đường học vấn bậc cao ở nước ngoài. Do đó, kỳ thi này chủ yếu đánh giá bao quát 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết dựa trên khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường học tập.
IELTS General (Tổng quát) dành cho những bạn muốn sinh sống và làm việc tại một quốc gia có ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Bài thi tập trung đánh giá trình độ, sự thoải mái, tự tin của bạn khi giao tiếp tiếng Anh trong bối cảnh, tình huống thường ngày.
Hình thức thi IELTS
Về hình thức thi, thí sinh có thể chọn một trong hai hình thức là thi trên giấy (paper-based) hoặc thi trên máy (computer-based). Cấu trúc đề thi và dạng câu hỏi ở hai hình thức thi sẽ giống nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, trong khi những thí sinh thi trên giấy trong cùng 1 ngày, ở cùng 1 module sẽ làm cùng 1 đề thi ở ba bài thi Nghe, Đọc, Viết thì khi thi trên máy, mỗi thí sinh sẽ làm một đề bài khác nhau – đề này được hệ thống chọn ngẫu nhiên từ kho đề của Đại học Cambridge.
Hiện nay, IDP và British Council là hai đơn vị tổ chức kỳ thi IELTS. Bên cạnh đó, còn có Bộ phận Đánh giá Năng lực sử dụng tiếng Anh của Cambridge (Cambridge English Language Assessment) là đơn vị làm đề thi. Mặc dù IDP và British Council là hai tổ chức riêng biệt nhưng bài thi ở hai đơn vị là hoàn toàn giống nhau do đề thi đều được cung cấp từ cùng một nguồn là Cambridge English Language Assessment.
Cấu trúc đề thi IELTS
Đề thi IELTS bao gồm bốn kỹ năng Nghe (Listening), Đọc (Reading), Viết (Writing), Nói (Speaking). Các phần thi trong IELTS sẽ được phân bổ thi theo thứ tự và thời gian nhất định. Trong đó, ba phần Listening, Reading và Writing sẽ được thi lần lượt và liên tục và không có thời gian nghỉ ở giữa mỗi bài thi. Đối với Speaking, thí sinh sẽ thi riêng trong cùng ngày hay thi trước hoặc sau 1 tuần tính từ ngày thi ba phần còn lại. Thời gian và địa điểm thi Speaking sẽ được cung cấp chi tiết khi thí sinh đăng ký thi.
Đối với 2 loại hình Academic và General sẽ thi chung 2 phần là nghe và nói trong khi phần đọc và viết sẽ có cấu trúc bài thi khác nhau tùy thuộc vào loại hình mà thí sinh dự thi.
Cấu trúc đề thi IELTS Listening
Cấu trúc các phần thi Listening
Cấu trúc bài thi IELTS Listening của hai dạng Academic và General Training hoàn toàn giống nhau về nội dung và hình thức. Với bài thi này, cấu trúc bài thi IELTS Listening gồm 4 phần nhỏ với 4 audio tương ứng cho mỗi phần. Thí sinh sẽ cần nghe 4 bản audio và trả lời tổng số 40 câu hỏi. Mỗi part là 10 câu hỏi với độ khó tăng dần. Mỗi câu hỏi tương ứng 1 điểm. Nội dung mỗi phần được phân bổ như sau:
Phần thi | Nội dung phần thi |
Phần 1 (10 câu hỏi) | Một cuộc đối thoại giữa 2 người với chủ đề về cuộc sống hằng ngày. |
Phần 2 (10 câu hỏi) | Một đoạn độc thoại với chủ đề về xã hội hằng ngày. Ví dụ: Nêu cảm nghĩ về cơ sở vật chất tại địa phương. |
Phần 3 (10 câu hỏi) | Một đoạn đối thoại với sự góp mặt của nhiều người (từ 2-4 người), chủ đề thường liên quan đến giáo dục đào tạo. Ví dụ: Thảo luận giữa các sinh viên và giáo viên hướng dẫn về bài tập nào đó. |
Phần 4 (10 câu hỏi) | Một đoạn độc thoại với chủ đề về học thuật. Ví dụ: Một giáo viên đang giảng bài trên lớp. |
Có một điều lưu ý cho thí sinh rằng mỗi bản audio sẽ chỉ phát một lần duy nhất trong suốt thời gian thi. Bên cạnh đó giọng nói sẽ bao gồm nhiều vùng miền như giọng Anh Anh, Anh Úc, Anh New Zealand, Anh Mỹ và Anh Canada.
Thời gian làm bài thi Listening
Theo thông tin chính thức từ IDP và British Council, thời lượng phần thi Nghe kéo dài 30 phút ở cả hai hình thức Academic và General Training. Trong đó, thí sinh sẽ có 1 phút để đọc câu hỏi trước mỗi phần thi. Cụ thể như sau:
- Với hình thức thi trên giấy (paper-based): thí sinh sẽ có khoảng 30 phút nghe và chọn đáp án. Kết thúc thời gian này, thí sinh sẽ có thêm 10 phút để chuyển đáp án từ giấy sang Answer Sheet.
- Với hình thức thi trên máy (computer-based): thí sinh sẽ có 30 phút nghe và chọn đáp án. Kết thúc thời gian này, thí sinh sẽ có thêm 2 phút để kiểm tra lại đáp án đã lựa chọn.
Cấu trúc đề thi IELTS Speaking
Cấu trúc bài thi: Đối với cả IELTS Academic và IELTS Genaral Training thì bài thi Speaking đều giống nhau. Bài thi gồm 3 phần, thời gian kéo dài khoảng 11-14 phút. Thí sinh có 1 phút để chuẩn bị trước khi bắt đầu mỗi phần thi. Dưới đây là nội dung cho từng phần thi:
- Phần 1: Đây là phần thi được coi là phần khởi động. Bạn sẽ nhận được các câu hỏi xoay quanh các chủ đề về cuộc sống của bạn. Ví dụ như về gia đình, học tập, công việc.
- Phần 2: Bạn sẽ được phát cho một mẫu giấy, bút và yêu cầu nói về một chủ đề cụ thể trong vòng tối đa 2 phút. Trước khi nói bạn sẽ có 1 phút để chuẩn bị. Kết thúc vấn đề giám khảo sẽ hỏi bạn một vài câu hỏi và kết thúc chuyển qua phần 3.
- Phần 3: Bạn sẽ được hỏi thêm một số câu hỏi có thể liên quan đến chủ đề phần 2 hoặc không? Bạn cần phải thảo luận nhiều hơn với giám khảo để có thể gây ấn tượng tốt.
Lưu ý: Kết quả thi IELTS Speaking sẽ được giám khảo chấm điểm ngay tại chỗ nhưng sẽ không công khai với thí sinh. Phần thi này sẽ được ghi âm lại nhằm dùng để kiểm tra nội bộ và phục vụ cho trường hợp thí sinh yêu cầu chấm lại bài.
Cấu trúc đề thi IELTS Reading
Cấu trúc các phần thi Reading
Cấu trúc đề thi IELTS Reading bao gồm 3 phần passages tổng cộng 40 câu hỏi và có độ khó mỗi phần tăng dần. Cấu trúc đề giống nhau cả hai hình thức thi IELTS Academic Reading và IELTS General Training Reading. Tuy nhiên, nội dung và chủ đề bài đọc giữa hai Module này có phần khác nhau:
Đặc điểm | IELTS Academic | IELTS General Training |
Mục đích | Đánh giá khả năng đọc hiểu tiếng Anh cho mục đích học thuật | Đánh giá khả năng đọc hiểu tiếng Anh cho mục đích chung |
Các chủ đề bài đọc | Chủ đề của các bài đọc sẽ về những chủ điểm học thuật đa dạng như Animals, Conservation, Technology, Health,… Nguồn của các bài Reading thường là Journals, sách, báo, tạp chí. | Chủ đề trong cuộc sống hàng ngày. Nguồn của các bài Reading của Module này thường đến từ sách báo, thông báo, quảng cáo, hướng dẫn. |
Kiến thức sử dụng | Phức tạp hơn | Đơn giản hơn |
Nội dung từng phần | Mỗi phần là một đoạn văn dài lấy từ sách, tạp chí và báo đưa vào bài thi. Các văn bản dựa trên các vấn đề thí sinh sẽ gặp phải trong bối cảnh học thuật. | Phần 1: Nhiều đoạn văn ngắn có chủ đề về sử dụng tiếng Anh cơ bản trong cuộc sống hằng ngày.Phần 2: Gồm 2 đoạn văn về chủ đề công việc.Phần 3: 1 đoạn văn dài có cấu trúc câu khá phức tạp với nội dung thường là mô tả |
Thời gian làm bài thi Reading
Tổng thời gian làm bài thi IELTS Reading là 60 phút. Thời gian làm bài ở cả hai Module và cả hai hình thức thi trên máy và trên giấy giống nhau. Khác với Listening, với bài thi này thí sinh sẽ không có thêm thời gian điền đáp án vào Answer Sheet (với bài thi trên giấy).
Cấu trúc đề thi IELTS Writing
Thời lượng: 60 phút bao gồm Writing Task 1 và Writing Task 2.
Thí sinh sẽ có 60 phút để hoàn thành 2 bài Task 1 và Task 2. Số chữ quy định Task 1 là 150 từ và task 2 là 250 từ. Ở phần viết cũng có hai dạng là học thuật và dạng không học thuật.
Đối với học thuật thì ở Task 1: Thí sinh được yêu cầu viết bài báo cáo khoảng 150 từ để mô tả, giải thích dữ liệu của một biểu đồ, bảng biểu hay quy trình. Ở Task 2: Bạn cần viết bài luận 250 từ, đưa ra những ý kiến chiến tranh luận về 1 ý kiến và hoặc vấn đề xã hội.
Thứ hai là đối với dạng không học thuật ( Genaral Training). Ở Task 1: Thí sinh được yêu cầu viết bức thư chính thức hoặc không chính thức khoảng 150 từ với mục đích hỏi thăm thông tin hoặc giải thích tình huống trong cuộc sống. Ở Task 2: Bạn được yêu cầu viết bài luận 250 từ phản hồi lại quan điểm, vấn đề nào đó. Bạn cần đưa ra những chính kiến của bản thân.
Cách tính điểm thi IELTS
Cách chấm điểm IELTS
- Bài thi IELTS sử dụng thang điểm từ 1 đến 9 để đánh giá năng lực tiếng Anh của thí sinh.
- Mỗi kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết đều được chấm điểm riêng theo thang điểm này.
- Điểm thi tổng của thí sinh là điểm trung bình cộng của điểm các kỹ năng, được làm tròn đến 0,5 điểm.
Ví dụ: Điểm phần thi nghe: 8.0; Điểm phần thi nói: 7.5; Điểm phần thi đọc: 8.5; Điểm phần thi viết: 8.0 => Điểm trung bình: (8.0 + 7.5 + 8.5 + 8.0) / 4 = 8.0
Tiêu chí chấm điểm IELTS
Nhìn chung, mỗi kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết thí sinh cần đáp ứng các khả năng sau:
Khả năng sử dụng tiếng Anh:
- Độ chính xác và trôi chảy: Sử dụng từ vựng, ngữ pháp và cấu trúc câu chính xác, trôi chảy.
- Phát âm: Phát âm rõ ràng, dễ nghe, ngữ điệu phù hợp.
Khả năng hiểu:
- Hiểu thông tin và ý tưởng chính xác.
- Hiểu các chi tiết quan trọng.
Khả năng đáp ứng yêu cầu:
- Trả lời đầy đủ các câu hỏi và yêu cầu.
- Cung cấp thông tin phù hợp và chính xác.
Khả năng tổ chức và trình bày:
- Bố cục bài viết rõ ràng, mạch lạc.
- Sử dụng ngôn ngữ hiệu quả.
Bảng mô tả mức độ năng lực tiếng Anh theo thang điểm IELTS:
Band điểm | Mức độ năng lực |
9.0 | Người sử dụng tiếng Anh thành thạo như người bản ngữ |
8.0 | Người sử dụng tiếng Anh rất thông thạo |
7.0 | Người sử dụng tiếng Anh thông thạo |
6.0 | Người sử dụng tiếng Anh có khả năng sử dụng tốt |
5.0 | Người sử dụng tiếng Anh ở mức trung bình |
4.0 | Người sử dụng tiếng Anh ở mức hạn chế |
3.0 | Người sử dụng tiếng Anh ở mức cơ bản |
2.0 | Người sử dụng tiếng Anh ở mức sơ cấp |
1.0 | Người sử dụng tiếng Anh ở mức yếu |